TRÒ CHƠI HỌC TẬP- CHIẾC CẦU NỐI KIẾN THỨC VỚI THỰC TIỄN
TRÒ CHƠI HỌC TẬP-
CHIẾC CẦU NỐI KIẾN THỨC VỚI THỰC TIỄN
Với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, người giáo viên cần phải gây được hứng thú học tập cho các em bằng cách lôi cuốn các em tham gia vào các hoạt động học tập. Trò chơi học tập đã và đang là một trong những phương pháp được tập thể giáo viên Trường Tiểu học số 1 Phước Hiệp quan tâm và sử dụng khi lên lớp. Thông qua các trò chơi các em sẽ lĩnh hội những tri thức một cách dễ dàng, củng cố, khắc sâu kiến thức một cách vững chắc, tạo cho các em niềm say mê, hứng thú trong học tập.
Bên cạnh chức năng giải trí , trò chơi học tập còn giúp học sinh tự củng cố kiến thức, kĩ thuật, thói quen học tập một cách hứng thú. Các tiết học có trò chơi sẽ thu hút mức độ tập trung của học sinh mà không một phương pháp nào sánh được. Những kiến thức khô khan và cứng nhắc sẽ sinh động, hấp dẫn nếu được tổ chức dưới hình thức trò chơi và nhờ đó kết quả học tập của học sinh sẽ tăng lên. Như vậy, việc sử dụng trò chơi học tập trong dạy học là một trong những biện pháp tăng cường tích cực hoá hoạt đọng học tập của học sinh. Hơn thế nữa, mối quan tâm và hoạt động của học sinh thể hiện qua các tiết học có trò chơi làm tăng thêm cảm tình của các em đối với môn học và thầy cô giáo.
Việc tìm được phương án giải khác nhau cho một “bài toán” trò chơi giúp các em hiểu sâu sắc hơn về những tri thức đã học, có thói quen tìm tòi phương án giải quyết tốt nhất, hay nhất và đơn giản nhất. Và khi đó, các em thể hiện niềm vui, hứng thú với những thành tích mà mình đạt được, thể hiện niềm vui do trò chơi mang lại và cảm thấy vui sướng khi được tham gia vào trò chơi. Từ đó hình thành ở các em tính tích cực, ý thức tự giác trong học tập, bởi vì “trong giờ lên lớp nào mà tư duy tích cực được kích thích thì cũng sẽ xuất hiện thái độ tích cực đối với học tập, sẽ hình thành hứng thú nhận thức”.
Hoạt động vui chơi ảnh hưởng mạnh tới sự hình thành tính chủ định của quá trình tâm lí. Trong trò chơi giúp học sinh bắt đầu hình thành sự chú ý có chủ định và ghi nhớ có chủ định. Khi chơi , các em tập trung chú ý hơn và ghi nhớ được nhiều hơn. Bởi vì bản thân trò chơi đòi hỏi các em phải tập trung vào những dữ kiện và đối tượng được đưa vào tình huống của trò chơi cũng như nội dung của trò chơi. Nếu em nào không chú ý và nhớ những điều kiện của trò chơi, thì sẽ hành động một cách tự phát và không đạt được kết quả chơi. Bởi vậy, để trò chơi được thành công buộc các em phải tập trung chú ý và ghi nhớ một cách chủ động. Từ đó, trẻ em “dần dần học tập, hành động theo đúng quy tắc, bắt tính tích cực của mình phục vụ những nhiệm vụ nào đó, kiên trì phấn đấu đạt tới những kết quả và những thành tựu nhất định” (A, V. Daparogiet - Tâm lí học).
Hiểu được điều đó, trong suốt năm học qua, bên cạnh phương pháp học nhóm , chúng tôi luôn tìm tòi những trò chơi hay, hấp dẫn để tạo hứng thú cho học sịnh. Chúng tôi hy vọng thông qua trò chơi học tập sẽ là chiếc cầu nối giữa kiến thức với thực tiễn cuộc sống giúp học sinh họa tập tự giác và tự tin hơn.
Người viết: Hà Thị Xuân Trinh